Chia sẻ Tin Mừng
Lễ đêm Giáng Sinh
Lễ đêm Giáng Sinh
(24/12/2013)
Tin Mừng: Lc 2, 1-20
Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem
Câu hỏi gợi ý:
1. Tại
sao Đức Giêsu không sinh ra trong cảnh giàu sang, uy quyền cho xứng với
địa vị Con Thiên Chúa, mà lại sinh trong cảnh thấp hèn nhất của con
người?
2. Toàn
dân Do Thái đều trông đợi Đấng Cứu Thế đến, thế mà khi Ngài đến, Ngài
lại không báo cho ai, kể cả những người chính thức đại diện cho dân, mà
chỉ báo cho các mục đồng, là những kẻ hèn kém nhất trong dân?
3. Những
người quyền thế trong dân về tôn giáo cũng như xã hội khi biết Đức
Giêsu sinh ra tại Bêlem, họ đã làm gì? phản ứng thế nào? Tại sao họ phản
ứng như vậy? Não trạng của họ đúng đắn và hợp với đường lối của Thiên
Chúa không?
CHIA SẺ
1) Những nghịch lý trong sự kiện Chúa Giáng Sinh
Có
sự nghịch lý quá lớn trong việc Con Thiên Chúa vô cùng cao sang lại
chấp nhận cảnh vô cùng nghèo hèn để giáng sinh hầu cứu chuộc con người.
Tuy nhiên vẫn còn một nghịch lý rất lớn khác trong biến cố này mà không
mấy người để ý. Việc Đấng Cứu Thế giáng sinh, toàn dân mong đợi hàng mấy
trăm năm, thế mà khi Ngài đến, Thiên Chúa đã chẳng sai các thiên sứ đến
báo tin cho các vị chức sắc cao cấp trong tôn giáo Do Thái cũng như nhà
cầm quyền Do Thái, là những người chính thức đại diện cho tuyển dân của
Ngài. Mà chỉ báo tin cho các mục đồng, đại diện cho hạng người hèn kém
nhất trong tôn giáo và trong xã hội! Quả thật, dưới con mắt loài người,
Thiên Chúa tỏ ra «chẳng biết điều» tí nào! Ngài chẳng biết cách xử sự
theo kiểu loài người! Tại sao vậy?
Dường
như trước mắt Thiên Chúa, kẻ có giá trị là những tâm hồn đơn sơ chân
thành, sẵn sàng đón nhận chân lý, chứ không phải là những người có chức
tước trong xã hội hay tôn giáo, dù có cao cấp đến đâu! Hãy thử xét xem
thái độ của các mục đồng và những kẻ quyền thế thời đó. Các mục đồng khi
được báo tin, thì hối hả đến và thờ lạy Đấng Cứu Thế vừa sinh. Họ có
thể tin ngay rằng đứa bé yếu đuối và nghèo nàn kia, được sinh ra trong
cái chuồng súc vật của họ, chính là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông
đợi. Cho dẫu chính họ, những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội và tôn giáo,
cũng không bao giờ nỡ sinh con mình ở cái nơi dơ dáy thấp hèn ấy! Tuy
nhiên, cảnh thấp hèn ấy không phải là điều cản trở họ tin. Bài Tin Mừng
cho biết niềm tin và thái độ của họ sau khi gặp hài nhi Giêsu: «Các
người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa».
Còn
những kẻ quyền thế trong xã hội và tôn giáo thì sao? Họ không thể tin
được điều ấy. Não trạng họ rất khác với các mục đồng! Làm sao họ có thể
tin và chấp nhận được Đấng Cứu Thế của toàn dân lại sinh ra thấp hèn như
vậy? Mà dẫu họ có được báo tin, họ cũng chẳng thèm đến với Đấng Cứu Thế
thấp hèn và nghèo nàn ấy làm gì! Người khác phải đến với họ, chứ làm gì
có chuyện họ phải đến với người khác, trừ trường hợp người khác đó giàu
sang hay có địa vị cao hơn họ! Cứ xem phản ứng của họ thì biết: Khi
được các nhà chiêm tinh phương Đông tới báo tin Đấng Cứu Thế đã sinh ra
thì vua Hêrôđê và những nhà lãnh đạo tôn giáo đã làm gì? Hêrôđê thì cho
quân đi tìm giết con trẻ Giêsu ngay, bất chấp phải giết oan bao đứa trẻ
khác. Các vị thượng tế và kinh sư, mặc dù biết rất rõ Đấng Cứu Thế phải
sinh ra tại Bêlem, cũng chỉ ngồi nhà chờ các nhà chiêm tinh đến cho biết
kết quả. Và khi các nhà chiêm tinh không trở lại, họ cũng bỏ qua luôn.
2. Thái độ thường tình của con người
Truyền
thống Kitô giáo cho rằng Tổng lãnh Thiên thần Luxifer vì không chấp
nhận được Con Thiên Chúa nhập thể làm người, nghĩa là Thiên Chúa mà lại
sống trong thân phận hèn kém hơn mình, nên đã phản loạn chống lại ý định
ấy của Thiên Chúa.
Não
trạng đó cũng là não trạng của rất nhiều người, kể cả các Kitô hữu bình
dân và cao cấp! Mặc dù Đức Giêsu làm biết bao phép lạ tỏ tường, được
dân chúng tin theo rất đông, nhưng giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái xưa
không thể chấp nhận được Ngài là Đấng Cứu Thế. Tại sao? Vì họ thấy Ngài
là người nghèo hèn (x. Mt 8,20), thất học (x. Ga 7,15), lại nói và làm
rất nhiều điều ngược lại quan niệm của họ, như lỗi luật ngày sábát (x.
Mt 12,1-14; Lc 6,6-11; ...), không chịu ăn chay (x. Mt 9,14), ăn không
rửa tay (x. Mt 15,1-2; Lc 11,38), giao thiệp với những hạng người tội
lỗi (x. Mt 9,10-11; Lc 5,29-30), v.v… Họ cho rằng họ là chân lý, nên ai
nói hay hành động khác với họ đều sai. Nếu những người ấy mà có quyền
phép thì quyền phép ấy đến từ ma quỷ (x. Mt 9,34; 12,24).
Đối
với họ, chỉ những điều mà người có uy quyền trong tôn giáo, trong xã
hội, những người có bằng cấp nói thì mới là chân lý! Chân lý không thể
phát xuất từ môi miệng những hạng bình dân, thấp kém trong xã hội hay
tôn giáo được (Thái độ này có thể đúng trong lãnh vực khoa học hay kiến
thức đời thường; nhưng có thể không đúng trong lãnh vực tâm linh, thần
bí). Do đó, khi các ngôn sứ xuất hiện – thường xuất thân từ giới bình
dân, nghèo hèn – thì đều bị họ chê bai và ném đá vì những lời nói mà họ
cho là ngang ngược (x. Mt 23,37; Lc 6,23). Họ chỉ ca tụng và ưu đãi
những ngôn sứ giả là những người có uy quyền, lại nói vừa lòng họ, lọt
lỗ tai họ (x. Lc 6,26). Cũng vậy, khi Đức Giêsu đến, những mặc khải mới
về chân lý của Ngài không sao lọt tai họ được, nên họ phải tìm cách trừ
khử Ngài cho bằng được, cho bõ ghét!
Ngày
nay, con người – kể cả các tín đồ trong mọi tôn giáo – vẫn thường có
não trạng như thế. Người có thế giá trong xã hội hay tôn giáo nói bất cứ
điều gì cũng dễ được họ cho là đúng, là có giá trị, cho dù họ thấy có
gì đó không hợp lý. Cũng có khi họ mù quáng đến độ không thể thấy được
sự bất hợp lý trong những lời nói đó. Còn những người bình dân, thấp hèn
mà nói, thì dù có hợp lý đến đâu, cũng đều vô giá trị. Chính vì thế,
nếu thời nay những ngôn sứ của Thiên Chúa có đến, chắc chắn cũng các vị
cũng phải đồng số phận hẩm hiu với những ngôn sứ các thời đại trước
thôi! Và dẫu chính Đức Giêsu có đến lần nữa, Ngài cũng sẽ bị đối xử
tương tự. Ngài lúc nào cũng vẫn là «viên đá vấp phạm» (x. Rm 9,33; 1Pr
2,8) cho nhiều người. Nhưng phúc thay những ai không vấp phạm vì Ngài!
(x. Mt 11,6; Lc 7,23)
NCK
No comments:
Post a Comment