Chia sẻ Tin Mừng
Chúa nhật thứ 2 Thường Niên
Chúa nhật thứ 2 Thường Niên
(19/01/2014)
Tin Mừng: Ga 1,29-34
Lời chứng của Gioan Tẩy Giả về Đức Giêsu
Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao
Gio-an lại giới thiệu Ðức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần
gian? Ý nghĩa sâu xa của những từ ngữ đó thế nào?
2. Vai trò
của Gio-an Tẩy Giả đối với Ðức Giê-su như thế nào? Tư cách của ông có xứng với
vai trò hay sứ mạng của ông không? Tư cách ấy là gì?
3. Qua tư
cách và hành động của Gio-an, bạn có thể rút ra kết luận gì cho cuộc đời ngôn
sứ của bạn? (nên nhớ mỗi Ki-tô hữu phải là một ngôn sứ!)
CHIA SẺ
1. Gio-an, người dọn đường cho Ðức Giê-su
Ðể chuẩn
bị xa cho việc Ðức Giê-su đến với nhân loại, Thiên Chúa đã nhờ các ngôn sứ tiên
báo biến cố ấy hàng mấy trăm năm trước, bằng cách này hay cách khác. Ðể chuẩn
bị gần, Ngài dùng một người tiền hô, có nhiệm vụ dọn đường và giới thiệu. Người
đó là Gio-an Tẩy Giả.
Gio-an là
bà con với Ðức Giê-su, vì mẹ của ông Gio-an là chị họ của Ðức Giê-su (x. Lc 1,35a).
Vì thế, chắc chắn ông Gio-an và Ðức Giê-su đã quen biết nhau, nhưng Gio-an
không biết hoặc biết không chắc chắn Đức Giê-su là Ðấng Thiên Sai. Chỉ khi Ðức
Giê-su đến với ông xin chịu phép rửa và sau đó có những dấu chứng từ trời cao, ông
mới biết điều đó cách chính xác. Vì chính Thiên Chúa đã báo trước cho ông điều
ấy: «Chính Ðấng sai tôi đi làm phép rửa
trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấyThần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó
chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần”» (Ga 1,33). Khi đã biết đích
xác Ðức Giê-su là ai, Gio-an bắt đầu làm chứng về Ngài.
2. Những ngôn sứ của Thiên Chúa
Câu Kinh
Thánh (Ga 1,33) vừa trưng dẫn cho ta thấy: những người làm ngôn sứ trong các
thời đại, luôn luôn có sự giao tiếp với Thiên Chúa, và được chính Thiên Chúa
kêu gọi, sai phái, không nhất thiết phải qua một trung gian người nào (xem Is 6,1-12;
Gr 1,5-19). Lời kêu gọi đó có những trường hợp khó có thể chối từ như trường
hợp của ngôn sứ Gio-na (x. Gn 1,1-2.11). Các ngôn sứ cũng được Ngài soi sáng, cho
biết hết kế hoạch của Ngài (x. Am 3,7), được Ngài hướng dẫn cụ thể những việc
phải làm (rất nhiều câu bàng bạc trong các sách ngôn sứ chứng tỏ điều ấy). Nhờ
sự rõ ràng đó, các ngôn sứ mới tin tưởng vào sứ mệnh và lời chứng của mình, và
lời chứng của họ mới có sức mạnh thuyết phục. Nếu không, lời chứng của họ chỉ
là những xác quyết thiếu căn cứ, dựa trên những tin tưởng rất chủ quan, hoặc
chỉ là những lời tuyên xưng xuông (không thực tín). Nếu chỉ dựa trên những tin
tưởng chủ quan, không dựa trên những nền tảng chắc chắn mà lại dám lấy cả mạng
sống mình để làm chứng thì thật là ngu dại, thậm chí có thể khiến những kẻ nghe
mình đi vào sai lầm trầm trọng.
Tương tự
như Ðức Giê-su và Gio-an Tẩy Giả, các ngôn sứ thường không thuộc hàng
chức sắc trong tôn giáo. Nhiều trường hợp, các ngôn sứ còn lên tiếng quở trách,
kết án, chỉ dẫn và sửa sai chẳng những hàng chức sắc này (x. Is 56,10-12; Gr 23,1-4;
Ed 34,1-31; 44,15-31; Hs 4,4-10; 5,1; đặc biệt Mt 23,13-32), mà cả vua chúa
quan quyền nữa (x. Is 10,1-3; 10,5.12; 14,24-27, đặc biệt Mt 14, 4). Ðiều này
chứng tỏ không phải cứ thuộc hàng chức sắc trong tôn giáo thì ngoại trừ bề trên
mình là chức sắc cao cấp hơn, không còn ai có quyền chỉ dạy hay sửa sai mình.
Và đã là
ngôn sứ thật, thì phải dám nói lên tiếng nói của chân lý, công lý và tình
thương, đồng thời dám chịu đau khổ và dám chết vì lời chứng của mình giống như Gio-an.
Ðó là đặc điểm không thể thiếu của những
ngôn sứ thật đến từ Thiên Chúa. Người vì sợ liên lụy đến bản thân nên không
dám bênh vực cho Thiên Chúa và tha nhân, cho chân lý, công lý và tình thương,
thì chắc chắn không phải là ngôn sứ thật, dù họ có mang danh là đại ngôn sứ đi
chăng nữa! Ðó là dấu chứng chắc chắn để phân biệt thật giả. Và cũng chính vì
yếu tố đặc trưng này mà luôn luôn số phận của các ngôn sứ thật là bị ném đá và
bạc đãi, còn ngôn sứ giả thì được ưu đãi, trọng vọng, được hưởng nhiều đặc
quyền đặc lợi do những thế lực phản công lý dành cho để thưởng công cho sự im
lặng rất lợi hại của họ (xem Lc 6,22.26).
3. Ngôn sứ phải sống cho Thiên Chúa và tha
nhân,
không sống cho bản thân mình
không sống cho bản thân mình
Trong cách
giới thiệu của Gio-an về Ðức Giê-su, ta thấy ông luôn luôn làm cho Ðức Giê-su
nổi bật lên, đồng thời tự làm cho mình lu mờ đi: «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30). Chẳng hạn:
«Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn
tôi, vì có trước tôi, Tôi đây không phải là Ðấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi
trước mặt Người» (Ga 3, 28), «Người
sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người» (Ga 1, 27). «Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi» (Mt
3, 11), «Tôi làm phép rửa cho anh em
trong nước, còn Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần» (Mc 1, 8).
Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, Gio-an rút lui vào bóng tối, để Ðức Giê-su đóng
trọn vẹn vai trò của Ngài.
Ðây cũng
là một dấu chứng của ngôn sứ thật. Người ngôn sứ thật phải từ bỏ được
chính “cái tôi” của mình, và thể hiện được tinh thần quên mình, tự
hủy như Ðức Giê-su (Pl 2, 6-8). «Không
làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng lấy lòng khiêm nhường mà coi người
khác hơn mình; không tìm lợi ích cho riêng mình, mà tìm lợi ích cho người khác»
(Pl 2,3-4). Một người coi “cái tôi” của mình quá lớn chắc chắn không phải
là ngôn sứ thật. Họ không thể sống vì Chúa, vì tha nhân được, mặc dù họ có thể
tạo được cái vẻ như vậy: có vẻ yêu Chúa, có vẻ yêu người.
Rất nhiều
người làm ngôn sứ, làm tông đồ, rao giảng Tin Mừng, làm nhiều việc lành phúc
đức, bố thí một cách rộng rãi. nhưng không do lòng yêu mến Chúa hay tình thương
đối với tha nhân thúc đẩy, mà do tính ham được tiếng khen, lời ca tụng, muốn
nổi danh là đạo đức, là có lòng thương người, v. v. Họ đã dùng danh nghĩa Thiên
Chúa để tạo nên danh thơm tiếng tốt cho mình, để có những cấp bậc cao sang
trong Giáo Hội và xã hội. Tâm lý này đã được Ðức Giê-su vạch mặt: «Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi
chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí, đừng có khua chiêng
đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố
xá, cốt để người ta khen» (Mt 6,1), Và thánh Phao-lô cho biết sự vô giá trị
của những hành động như vậy: «Giả như tôi
có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu
đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3). Tính
chất khoa trương, thích phình to bản ngã này, Ðức Giê-su gọi
là men Pha-ri-siêu: «Anh em phải coi
chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả» (Lc 12,1). Là người Ki-tô
hữu, là ngôn sứ, chúng ta cần phải tránh loại men rất khó tránh này.
No comments:
Post a Comment